Ở 21 tuổi, tôi vẫn đang loay hoay tìm kiếm chính mình giữa những giảng đường đông đúc và các buổi học nhóm về khuya ở trường đại học tại Mỹ, cho đến khi tôi bước lên chuyến bay đến Ba Lan. Hành trình của tôi ban đầu rất đơn giản—đeo ba lô đi bụi dọc Đông Âu, thưởng thức bánh pierogi, chụp ảnh các công trình kiến trúc Baroque và tìm kiếm những điều mới lạ. Nhưng tôi không ngờ rằng một căn hộ nhỏ khiêm tốn ở Warsaw lại có thể thay đổi tôi.
Đó là một buổi chiều mùa thu xe lạnh khi tôi đứng trước tòa nhà giản dị trên phố Freta, nằm trong khu phố cổ của Warsaw. Giữa những cửa hàng lưu niệm và quán cà phê, tôi tìm thấy bảo tàng Maria Skłodowska-Curie—nơi bà Marie Curie, nhà khoa học tiên phong trong lĩnh vực vật lý và hóa học, chào đời và sau này trở về sinh sống sau một bi kịch lớn trong đời.
Bên trong, không khí đầy vẻ trang nghiêm. Những bức tường như thì thầm kể chuyện. Tôi chậm rãi bước qua từng căn phòng, đọc những bức thư cũ, nhìn ngắm các dụng cụ mà bà từng sử dụng. Một căn phòng dẫn ra ban công nhỏ. Tương truyền rằng, sau cái chết bất ngờ của người chồng Pierre Curie ở Paris năm 1906, Marie đã trở về Warsaw. Tại chính căn hộ này, bà thường đứng trên ban công nhỏ ấy—lặng lẽ, nhìn lên bầu trời Warsaw hàng giờ liền. Người dân nói rằng bà không trò chuyện với ai trong nhiều năm. Có người nghĩ bà vẫn đang sống trong nỗi buồn sâu thẳm. Có người tin rằng bà đang thì thầm với Pierre.
Tôi cũng đứng trên ban công ấy. Ngón tay chạm vào khung sắt lạnh lẽo của lan can. Và trong khoảnh khắc ấy, tôi cảm nhận được nỗi đau mất mát—và cả sự vĩ đại—của một con người phi thường.
Một Cuộc Đời Thách Thức Mọi Giới Hạn
Marie Curie tên khai sinh là Maria Skłodowska, sinh năm 1867 tại Warsaw, khi đó thuộc quyền kiểm soát của Nga. Bà lớn lên trong một xã hội mà phụ nữ không được phép theo học đại học. Nhưng điều đó không ngăn cản được bà. Năm 24 tuổi, bà chuyển đến Paris, đổi tên thành Marie, và ghi danh vào trường Sorbonne. Chính tại đây, bà gặp Pierre Curie, một nhà khoa học cùng chí hướng, người sau này trở thành chồng bà và cộng sự trong nghiên cứu.
Họ đã cùng nhau nghiên cứu về phóng xạ—thuật ngữ do chính Marie đặt ra—và mở ra một kỷ nguyên mới cho khoa học hiện đại. Nhưng con đường ấy không hề bằng phẳng. Vì là phụ nữ, Marie nhiều lần phải công bố công trình của mình dưới tên Pierre, hoặc đồng công bố để được cộng đồng khoa học công nhận. Nhiều nghiên cứu ban đầu của bà chỉ có thể được chấp nhận khi đứng tên chồng.
Năm 1903, Marie trở thành người phụ nữ đầu tiên đoạt giải Nobel Vật Lý cùng Pierre Curie và nhà vật lý Henri Becquerel. Sau khi Pierre qua đời, bà tiếp tục nghiên cứu một mình và năm 1911, bà giành được giải Nobel thứ hai, lần này là Hóa Học, cho việc khám phá ra hai nguyên tố polonium và radium. Marie vẫn là người duy nhất trong lịch sử đã đoạt Nobel ở hai lĩnh vực khoa học khác nhau.
Thế nhưng, bất chấp tài năng, giới khoa học Pháp vẫn lạnh nhạt. Họ từ chối đưa tên tuổi bà vào Hàn Lâm Viện Khoa Học. Truyền thông thêu dệt chuyện đời tư. Và dù vậy, bà vẫn miệt mài làm việc—thường là trong điều kiện thiếu an toàn, không lường được hậu quả của việc tiếp xúc lâu dài với phóng xạ.
Tình Yêu, Di Sản Và Mất Mát
Marie và Pierre Curie có hai người con gái: Irène và Ève. Irène theo sát con đường của mẹ. Irène Curie cùng chồng là Frédéric Joliot đã đoạt giải Nobel Hóa Học năm 1935, khiến gia đình Curie trở thành một trong những gia đình nổi bật nhất trong lịch sử trong lãnh vực khoa học. Ngược lại, Ève lại chọn con đường khác—bà trở thành nhà văn, nhà báo, và nhà hoạt động nhân đạo, và cũng là tác giả cuốn tiểu sử nổi tiếng viết về mẹ mình – Madame Curie .
Sau những năm sống ở Warsaw, Marie trở lại Pháp và tiếp tục nghiên cứu đến khi sức khỏe suy yếu. Năm 1934, bà qua đời vì thiếu máu bất sản, một căn bệnh có khả năng liên quan đến việc tiếp xúc phóng xạ lâu dài. Bà được chôn cất cạnh Pierre tại nghĩa trang Sceaux. Nhưng đến năm 1995, thi hài của họ được chuyển vào Điện Panthéon ở Paris, biến Marie Curie trở thành người phụ nữ đầu tiên được an táng tại đây vì thành tựu cá nhân.
Sự Thức Tỉnh Trong Tôi
Khi rời khỏi bảo tàng hôm ấy, gió xào xạc lướt qua hàng cây trên phố Freta. Tôi không thể ngừng nghĩ đến cảm giác của một người phụ nữ sống trong thời đại mà tài năng không được thừa nhận—một người bị xem nhẹ, phủ nhận và cố tình loại trừ khỏi thế giới khoa học. Tôi nghĩ về chính mình—một sinh viên trẻ, đôi lúc vẫn còn ngại ngùng cất tiếng nói trong lớp, lo sợ bị cho là “quá tự tin,” “quá sắc sảo,” hay đau xót hơn, “quá thông minh.”
Marie Curie không chỉ phá vỡ những rào cản—bà đập tan toàn bộ hệ thống đó. Nhưng đằng sau mỗi thành công là một xã hội tìm cách gạt bà sang một bên, là một cánh cửa mà bà phải tự mình mở tung, là một thành quả mà bà phải đấu tranh để giữ lấy.
Và khi tôi ngoái nhìn ban công một lần nữa, bầu trời Warsaw đã chuyển sang sắc hồng. Có thể, bà thật sự đã nói chuyện với Pierre. Hoặc có lẽ, bà đang thì thầm với cả vũ trụ—thách thức nó phải chấp nhận một người phụ nữ can đảm, bất chấp để đạt được điều mình mong muốn.
Nếu bạn có dịp đến Warsaw, đừng chỉ ghé thăm những điểm du lịch phổ biến. Hãy tìm đến căn hộ nhỏ trên phố Freta ấy. Hãy đứng trên những tấm sàn gỗ nơi một người phụ nữ từng nhìn thẳng vào thế giới đã phủ nhận mình—và thay đổi nó mãi mãi.
-Nguyễn Phương Anh-